Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Cây trâu cổ trị thấp khớp mãn tính

Trâu cổ là loại cây được trồng làm cảnh, che mát và làm thuốc chữa bệnh. Tên khác: xộp, vẩy ốc, bị lệ, mác pốp. Tên khoa học: Ficus pumila L.
Trâu cổ có tác dụng bổ khí huyết nên nhiều người dùng thay vị hoàng kỳ trong 1 số đơn thuốc.

Một số cách dùng sau:
- Quả trâu cổ 40g, bồ công anh 15g, lá mua 15g. Sắc uống; Chữa tắc tia sữa, sưng vú, ít sữa. Kết hợp dùng: lấy lá bồ công anh giã nhỏ cho ít dấm, chưng nóng chườm hay đắp ngoài.

 Lá cây trâu cổ.
- Cao quả trâu cổ: quả chín thái nhỏ, nấu với nước, lọc bỏ bã, cô thành cao. Ngày uống 5 - 10g. Dùng chữa đau xương, đau người ở người già, làm thuốc bổ, điều kinh, giúp tiêu hoá.
- Rượu bổ chữa di tinh liệt dương: cành và lá, quả non phơi khô 100g, đậu đen 50g. Xay thô 2 thứ và ngâm trong 250ml rượu trắng, ngâm 10 ngày, ngày uống 10 - 30 ml.
 - Chữa thấp khớp mạn tính: Cành lá trâu cổ 20g, rễ cỏ xước 20g, phục linh 20g, rễ tầm xuân 20g, dây rung rúc 12g, thiên niên kiện 10g, rễ gấc 10g, lá lốt 10g, dây đau xương 10g, tang chi 10g. Sắc 2 lần, lấy khoảng 400ml, sau cô lại cho thật đặc. Hòa với rượu chia uống 3 lần trong ngày
- Thanh nhiệt giải khát: Lấy quả chín, rửa sạch, giã nát hay xay nghiền bằng máy cho vào túi vải, ép lấy nước. Nước để yên sẽ đông lại như thạch; thái dạng sợi, cho thêm đường, nước đá và hương liệu.
 
TS. Nguyễn Đức Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét