Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Đau từ cổ xuống tay - Tác dụng của mật nhân và lá mơ

TTO - Nếu bạn đau cột sống cổ kèm theo đau, tê lan xuống vai và tay thì có thể nghĩ đến việc bạn bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Cột sống cổ ở người gồm có 7 đốt sống, giữa các đốt sống có các đĩa đệm giúp ổn định cột sống khi di chuyển và giúp nâng đỡ và phân bố lực khi đi lại. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là do đĩa đệm thoái hóa chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Tuy nhiên đây là một bệnh lý thoái hóa nên thường kèm theo tình trạng hình thành các chồi xương (hay còn gọi là gai xương) cũng góp phần làm cho việc chèn ép nặng nề hơn.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường xảy ra ở phần thấp (tầng C5-6 và C6-7, chiếm tỉ lệ trên 80%) gây ra đau cột sống cổ kèm theo đau, tê lan xuống vai và tay theo rễ thần kinh cổ (chèn ép rễ thần kinh cổ). Nặng hơn có thể gây ra yếu tay chân, rối loạn cảm giác và rối loạn tiêu tiểu, chức năng tình dục (chèn ép tủy sống cổ).
Hiện nay phương tiện chủ yếu để chẩn đoán bệnh lý này là chụp MRI cột sống cổ. Tuy nhiên trong một số trường hợp các bác sỹ có thể kết hợp với đo điện thần kinh cơ để xác định chính xác rễ thần kinh bị chèn ép hay chụp CT-Scan đa lát cắt để xác định các chồi xương.
Việc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhằm phục hồi các chức năng thần kinh, hết đau, trả bệnh nhân về với cuộc sống bình thường. Thông thường đối với các bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu (đau cổ, đau tê vai và tay) các bác sĩ sẽ điều trị nội khoa bao gồm: các thuốc giảm đau-kháng viêm, kéo cột sống cổ. Trên 90% bệnh nhân có chèn ép rễ thần kinh cổ cấp tính do thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện với điều trị nội khoa.
Điều trị phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, có yếu hoặc teo cơ và có triệu chứng của chèn ép tủy sống cổ. Tuy nhiên đối với một số người bệnh có thoát vị nhiều tầng trên MRI thì việc quyết định phẫu thuật vào tầng nào là vấn đề hết sức quan trọng cần phải dựa vào tình trạng lâm sàng (mổ theo lâm sàng chứ không phải theo MRI)
Hiện nay việc phẫu thuật bệnh lý này được thực hiện dưới kính hiển vi để lấy đi nhân thoát vị sau đó đặt đĩa đệm hoặc các mảnh ghép nhân tạo vào khoảng đĩa đệm, dùng khoan mài để lấy đi các chồi xương nhằm giải phóng rễ thần kinh và tủy cổ. Nếu lấy nhân đệm trên 2 tầng thì cần bắt nẹp vis để cố định cột sống cổ. Tỉ lệ các biến chứng của cuộc mổ thay đổi từ 0-13% bao gồm: chảy máu sau mổ gây chèn ép tủy sống, tổn thương tủy sống-rễ thần kinh hoặc rách màng tủy (tỉ lệ cao nếu như không mổ dưới kính hiển vi), tổn thương mạch máu vùng cổ hoặc thực quản, khàn tiếng, các biến chứng của mảnh ghép. Biến chứng lâu dài được nhắc đến là sự thoái hóa các tầng kệ cận gây ra thoát vị đĩa đệm về sau.
Kết quả của việc điều trị phẫu thuật bệnh lý này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian bị bệnh, triệu chứng trước mổ (nếu chỉ có chèn ép rễ thì hồi phục tốt hơn có chèn ép tủy sống), bệnh lý kèm theo. Tỉ lệ hồi phục sau mổ thay đổi từ 70-90%. Một số bệnh nhân sẽ có một số khó chịu sau mổ như mỏi cổ, mỏi vai, vướng trong họng, tê hay vẫn còn yếu tay chân. Các khó chịu này sẽ giảm dần theo thời gian.
Ths.BS PHẠM ANH TUẤN
(ĐH Y dược TP.HCM)


TTO - Từ năm 1998, tôi đã được phát hiện bệnh viêm gan C. Mặc dù được rất nhiều người quen biết chỉ sử dụng: thuốc bắc thuốc nam, các cây cỏ dại, các thầy lang … nhưng tôi tuyệt đối trung thành với tây dược. Đầu năm nay 2009, gan chuyển biến thành xơ giai đoạn đầu.
Gần một tháng nay ngoài thuốc tây, tôi uống thêm loại thuốc đã được bào chế tự phát từ gốc cây mật nhân. Cơ thể khỏe hơn, mặt tươi tỉnh hơn, có thần sắc hơn. Mới đây được khuyên uống lá mơ loại một mặt màu xanh, một mặt màu tím (lá này dùng ăn chung với thịt cầy). Do không tin tưởng thuốc nam, nhưng 10 năm nay điều trị bằng tây dược cũng không đem lại kết quả, nay nhờ Tuổi Trẻ cho biết thành phần của gốc cây mật nhân và lá mơ có trị được bệnh gan hay không? Mật nhân hoặc lá mơ có gây biến chứng làm lá gan càng tồi tệ hơn nếu sử dụng?
Kha Chanh Minh
- Trả lời của phòng mạch online:
Mật nhân là loại cây mọc ở miền Trung, tên khoa học là Eurycoma Longifolia Jack.Theo kinh nghiệm dân gian, người ta dùng rễ cây mật nhân (có vị đắng, tính mát) băm nhỏ đem tẩm rượu, sao vàng để trị bệnh. Mật nhân được dùng chữa nhiều thứ bệnh như: khí hư huyết kém (biểu hiện: người mỏi mệt, lười hoạt động, thiếu máu), ăn uống không tiêu, no hơi, đầy bụng, trong ngực có cục tích (tức ngực, nghẹn, khó thở), gân xương yếu mỏi, chân tay tê nhức, nôn mửa, tả lỵ, tứ thời cảm mạo (cảm ho thể phong hàn hay phong nhiệt cả bốn mùa trong năm), say rượu và tẩy giun.
Có người cho rằng cây có khả năng tăng tiết testosterone nên trong giới lực sĩ cây dùng như vị thuốc bổ để thêm năng lực cơ thể. Có thể anh uống rễ cây mật nhân, vị thuốc khắc phục được chứng ăn không tiêu, ruột hấp thu được chất dinh dưỡng nên anh thấy khỏe.
Loại lá mơ mà anh nói có nơi gọi là mơ long hay mơ tam thể. Chúng không thể thiếu trong các cửa hàng thịt chó. Cũng phải thôi vì nếu thịt chó không sạch, nhiều trực khuẩn lỵ thì chính lá mơ lông tiêu diệt được trực khuẩn này. Nếu ăn phải thịt đã ôi, lên men làm sình bụng thì dung lá mơ ăn kèm cũng khắc phục được tình trạng rối loạn tiêu hóa. Lá mơ cũng điều trị được tình trạng co thắt dạ dày. Tức là sau khi ăn bạn thấy dạ dày cuộn lên từng đợt và buồn nôn, nếu lấy một nắm lá mơ (tương đương 100g) giã nát, vắt nước uống thì tình trạng trào ngược sẽ hết. Dân gian dùng lá mơ sắc uống chữa bí tiểu do phản xạ vì có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn.
Như vậy rễ cây mật nhân và lá mơ chỉ giúp sát khuẩn và tiêu hóa tốt. Chúng không gây độc cho gan nhưng cũng không diệt được siêu vi C. Anh vẫn có thể sử dụng hai vị thuốc  quí này. Theo tôi, anh nên dùng kèm với diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa). Cây diệp hạ châu được chứng minh là giúp tế bào gan khỏe hơn để chống đỡ với siêu vi. Uống diệp hạ châu một thời gian men gan sẽ giảm. Tuy nhiên nếu đã được xác nhận là xơ gan thì anh nên theo dõi chặt chẽ.
Hiện tân dược điều trị đa số là nâng đỡ tế bào gan để chúng tự diệt siêu vi. Tế bào gan lại là loại tế bào sinh trưởng được, sẽ có một số tế bào mới sinh ra làm nhiệm vụ thay những tế bào bị siêu vi hủy hoại. Nếu anh phối hợp đông - tây y hiệu quả thì rất nên tiếp tục, đừng  dừng lại. Ta cứ theo phương châm “có bệnh vái tứ phương” thuốc nào, vị thuốc gì làm cơ thể anh khỏe thì đó là phù hợp. Chúc anh tự tin và khỏe mạnh.
BS LÊ THÚY TƯƠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét